Tang thầm vị chua ngọt, tính lạnh, có công dụng dưỡng huyết, bổ gan thận, sinh tân dịch, nhuận tràng, làm đen râu tóc và trừ phong thấp. Nó thường được dùng để chữa các chứng bệnh do gan thận yếu gây đầu choáng mắt hoa, lưng đau gối mỏi, tai ù điếc, râu tóc bạc sớm, mất ngủ hay mê, tiêu khát (đái đường), táo bón, các khớp vận động khó khăn… Sách Bản thảo kinh sơ viết: “Quả dâu chín vị giúp tinh thần trở nên thanh sáng an bình, trí tuệ minh mẫn, âm khí hồi phục, khiến râu tóc đen lại mà trường thọ”. Sách Bản thảo cương mục viết: “Quả dâu chín dùng lâu giúp an thần trấn tĩnh, làm cho con người trở nên thông minh”. Sách Trấn nam bản thảo cho rằng, dâu chín giúp bổ thận, làm cho tinh khí vững chắc, dùng lâu có thể đen tóc và sáng mắt.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong quả dâu có nhiều loại đường, vitamin B1, B2, A, C và nhiều nguyên tố vi lượng cần thiết khác. Dịch chiết quả dâu có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, thúc đẩy sự tạo máu.
Để chế biến trà tang thầm, nên chọn những quả dâu đã chín, lành lặn, loại bỏ các tạp chất, dùng nước sạch rửa thật kỹ (chú ý nhẹ tay để tránh dập nát), đem phơi hoặc sấy thật khô rồi đựng trong lọ kín (tốt nhất là lọ sành) để dùng dần. Mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần lấy 10-15 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 phút thì dùng được, uống thay trà.
Lưu ý:
– Tang thầm tính lạnh và có tác dụng nhuận tràng, không nên dùng cho những người hay bị rối loạn tiêu hóa, đi lỏng do tỳ vị hư yếu, người bị cảm mạo, ho nhiều do phong hàn.
– Khi pha loại trà này, tuyệt đối không dùng ấm chén bằng kim loại.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.